Du lịch quảng nam “chung sống” với dịch

31/08/2020

Du lịch quảng nam chung sống với dịch

Bên cạnh những cơ sở lưu trú, dịch vụ đóng cửa hoặc chuyển nhượng, thì một số doanh nghiệp du lịch vẫn cố gắng chống chịu, nỗ lực vượt qua thời điểm khó khăn này.

Chuyển hướng kinh doanh

Ông Nguyễn Tuấn Liên - Giám đốc Khu du lịch sinh thái Tuấn Liên (Hội An) cho biết ngày 1.9, bắt đầu mở lại tiệm hớt tóc của mình sau khoảng thời gian đóng cửa phòng chống dịch Covid-19. Đây là công việc gắn với ông từ hơn 10 năm trước và liên tục được duy trì đến nay, kể cả khi ông chuyển sang kinh doanh du lịch. “Dịch giã bùng phát, du khách không có thì tôi quay lại với nghề này” - ông Liên nói.

Bà Phạm Thị Hải Nguyên – chủ khu nghỉ dưỡng Sea’lavie Boutique Resort & Spa Hội An cho biết, đang cùng một số chủ doanh nghiệp tính toán xây dựng một “siêu thị online” bán hàng nông sản sạch, đây cũng sẽ là hướng đi mới, kể cả khi khách sạn mở cửa trở lại nhằm giúp doanh nghiệp tồn tại lâu dài, bởi dịch bệnh có thể quay lại bất cứ lúc nào.

Theo ông Lê Ngọc Thuận - chủ nhà hàng The Deckhouse An Bang Beach, trong tình hình hiện nay, “sống chung” với dịch là vấn đề nên được tính tới. Do đó, doanh nghiệp phải xây dựng lại kế hoạch kinh doanh của mình cho phù hợp. Và siêu thị online sẽ là hướng đi triển vọng. Tại đây không chỉ bán hàng nông sản mà còn có sản phẩm ăn uống, túi xách, quần áo… giá cả hợp lý, phù hợp với người Việt.

>> Đi du lịch hội an có gì?

du lịch hội an chung sống với dịch 1

Đừng “bỏ trứng vào cùng một giỏ”

Không nên phụ thuộc hoàn toàn vào du lịch là bài học đắt giá của hầu hết doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại Hội An sau hai đợt dịch Covid-19. Việc điều chỉnh chính sách kinh doanh theo hướng đa dạng sản phẩm không chỉ giúp phát triển các dòng sản phẩm hợp lý, phù hợp khả năng chi tiêu của khách trong thời điểm khó khăn hiện nay mà còn giúp doanh nghiệp có thể sống sót qua dịch, kể cả sau này.

Theo ông Đỗ Như Châu - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Như (đơn vị quản lý chuỗi khách sạn Le Pavillon Hoi An), bài học quan trọng doanh nghiệp rút ra từ dịch bệnh Covid-19 là không nên “bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ”, sự phụ thuộc quá lớn vào du lịch dễ mang lại rủi ro.

Theo ông Châu, để có được nguồn lực trên, ngoài du lịch, công ty còn tính đến kinh doanh nhiều ngành nghề khác. Hiện tại, đơn vị tập trung hoàn thành những dự án dang dở, kịp thời đưa vào hoạt động trong năm 2021. Đặc biệt, đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục để nhanh chóng khởi công một dự án y tế tại Hội An và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm từ Úc về Việt Nam…

du lịch hội an chung sống với dịch 2

Hỗ trợ từ Hiệp hội Du lịch Quảng Nam

Hiệp hội Du lịch Quảng Nam kiến nghị các cơ quan liên quan nhanh chóng hỗ trợ, tháo gỡ 5 nhóm vấn đề: hỗ trợ người lao động đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc chấm dứt hợp đồng lao động sau ngày 1.4 đến 30.6.2020; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động trong gói 62 nghìn tỷ đồng; giảm thuế VAT, thuế doanh thu, tiền thuế đất và thuê nhà thầu; các chính sách ngân hàng về khoanh nợ, hạ lãi suất; hỗ trợ đào tạo nhằm đáp ứng nguồn nhân lực lao động ngành du lịch hậu Covid-19.

Trước đó, ngày 7.8.2020, Tổng cục Du lịch Việt Nam tổ chức buổi đối thoại trực tuyến với các đơn vị quản lý nhà nước ngành du lịch, doanh nghiệp và các hiệp hội du lịch trên toàn quốc về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng Covid-19. Tại buổi đối thoại, Tổng cục Du lịch yêu cầu các bên gửi kiến nghị, đề xuất về Tổng cục Du lịch để kịp thời xem xét, kiến nghị hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng dịch bệnh.

Triển khai chuỗi hoạt động đào tạo online nhằm nâng cao kỹ năng và kiến thức cho lực lượng lao động ngành du lịch.

Với chủ đề “Giữ lửa nghề - Gặp gỡ chuyên gia”, dự kiến chương trình diễn ra trong thời gian 1 giờ đồng hồ (20 - 21 giờ) vào thứ Ba hằng tuần, kể từ ngày 25.8 và được tường thuật trực tiếp trên các Fanpage: Quang Nam Tourism Association, Nghề khách sạn.

du lịch hội an chung sống với dịch 3

Các chuyên đề đào tạo bao gồm: “Tiêu chí du lịch xanh - bền vững cho Quảng Nam”, “Phát triển và sự khác biệt hóa sản phẩm”, “Quản trị rủi ro tài chính cho nghề khách sạn và du lịch”, “Quy tắc ứng xử trong kinh doanh”, “Đặc tính văn hóa, tập quán và kỹ năng phục vụ khách du lịch các thị trường”, “Văn hóa địa lý du lịch Quảng Nam”…

Với phương châm “chạm đến sự tử tế trong du lịch”, bên cạnh xây dựng sản phẩm xanh, thân thiện, đặc trưng theo mô hình kinh tế tuần hoàn, QTA luôn chú trọng đến hành động nhân văn, thái độ ứng xử hợp lẽ tự nhiên của người làm du lịch đối với di sản, tài nguyên và tác phong chuyên nghiệp nhằm mang lại giá trị phục vụ lâu dài cho xã hội.

Tổng hợp
Nguồn baoquangnam